Vườn truyền thống Nhật Bản là kết tinh của văn hóa và lối sống mang đậm chất riêng của con người Nhật Bản. Nó mang đậm dấu ấn của những tư tưởng triết học của Thần Đạo Shinto, của Phật giáo và Thiền tông. Vườn truyền thống Nhật Bản coi trọng mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Vườn truyền thống Nhật được chia làm nhiều phong cách khác nhau và có 4 loại vườn phổ biến được giới thiệu dưới đây.

Có thể bạn chưa biết về 4 loại vườn truyền thống Nhật Bản

1. Vườn lớn Tsukiyama

Tsukiyama theo phiên âm Hán nghĩa là “Trúc Sơn” tức Hòn non bộ. Vườn Tsukiyama chủ yếu tạo dựng lên những ngọn núi nhân tạo nhỏ để mang lại sự ấn tượng cho một khu vườn rộng lớn. Vì vậy, Tsukiyama còn được gọi là vườn lớn hoặc vườn đồi. Nó được tạo ra để làm khu vườn đi dạo ngắm cảnh thư thái cho con người xung quanh nó.

Những ngọn đồi đặc trưng được kết hợp với những dòng suối nước mát, những thác nước nhỏ hoặc những ao nước lớn trong vắt, những cây xanh bóng mát, cây dáng đẹp bên hồ, làm nơi sinh sống lý tưởng cho một số loài động vật. Tô điểm thêm vào khu vườn lớn Nhật Bản là những bụi cây nhỏ, những khóm hoa xinh xắn, những lối đi quanh co và những cây cầu đá, cầu gỗ bắc ngang.

Tsukiyama được tạo ra từ mô phỏng của một quần thể tự nhiên vào khuôn viên rộng lớn với mục đích chính tạo cảnh quan sống xanh cho con người.

2. Vườn thiền Karesansui

Karesansui còn có tên là Zen Garden, một loại hình vườn thiền dành cho những người mong muốn tịnh tâm và sống chậm lại. Karesansui nghĩa là “Khô sơn thủy” tức cảnh quan khô hoặc núi nước khô cạn. Mặc dù nó có sơn và thủy, tuy nhiên trong vườn Karesansui lại không có núi và nước. Nước trong vườn được biểu hiện bằng cát và sỏi lúc phẳng lặng như mặt hồ, lúc gợn sóng như những con sóng lớn ngoài đại dương. Núi đồi được thể hiện bằng những tảng đá nhỏ trơ trụi tự nhiên hoặc đôi khi lại có rêu phong, thảm cỏ cây  phủ lên.

Vườn Karesansui Nhật Bản bắt đầu từ thời Kamakura và phát triển mạnh vào thời Muromachi. Nó chịu ảnh hưởng lớn từ triết học Thiền tông cùng Phật giáo Đại thừa vì vậy không gian vườn đề cao vẻ đẹp sự không hoàn hảo, vô thường, giản đơn và sự nghiêm nhường, tôn trọng vẻ đẹp nguyên sơ của vạn vật trong tự nhiên.

Những yếu tố cát, đá, sỏi tĩnh lặng đem lại cảm giác tĩnh mịch cho khu vườn nguyên sơ giản dị. 

3. Vườn trà đạo Cha Niwa

Cha Niwa nghĩa là Trà Viên tức vườn trà. Khu vườn liên quan mật thiết đến nghi lễ thưởng trà Chanoyu của người Nhật Bản. Để tham dự nghi lễ thưởng trà bạn phải đi đến trà thất Chashitsu. Trà thất nằm trong khu vườn Cha Niwa này. Nó xuất hiện vào thế kỉ thứ 14 xuất phát từ nghi lễ thưởng trà truyền thống của người Nhật.

Khu vườn Cha Niwa đơn thuần chỉ là những cây xanh bóng mát với những bụi cây nhỏ và nền cỏ, rêu xanh mướt. Điểm đặc trưng của vườn này là những bậc bước chân bằng những viên đá lớn nhỏ tự nhiên tạo thành lối đi dẫn đến gian Trà thất trong vườn. Nó còn có đặc trưng khác là đèn đá, nơi dừng chân có những ghế băng dài để ngồi chờ, khu vực vệ sinh với bể nước bằng đá để khách rửa tay sạch sẽ trước khi bước vào Trà thất giống như nghi lễ tẩy rửa bụi trần để bước vào một thế giới tĩnh lặng sạch sẽ.

Cha Niwa còn có tên khác đó là Rojiniwa tức khu vườn có lối đi hẹp.

4. Vườn nhà Tsubo Niwa

Tsubo Niwa là một khu vườn nhỏ trong sân nhà với diện tích hạn chế. Vườn nhà Tsubo Niwa là sự kết hợp giản dị của cây xanh và đá trong một không gian nhỏ hẹp. Những cây xanh, rêu phong đại diện cho thảm thực vật, những chiếc đèn đá, bát nước bằng đá và những viên đá tự nhiên đại diện cho những vật hóa thạch của tự nhiên.

Vườn Tsubo Niwa còn có nét đặc trưng của tường rào bằng trúc, ống trúc dẫn nước tới bát đá. Theo đó, Tsubo Niwa cũng trở nên đặc biệt hơn với ý nghĩa của Nước cuốn trôi ưu phiền của cuộc sống, ngọn đèn đá soi sáng đường trong tâm mỗi người, sỏi trong chậu tượng trưng cho mặt nước tĩnh, hòn đá đen tượng trưng cho dòng nước động. Hàm ý rằng trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, trong sóng gió có an yên.Xem thêm>> Có thể bạn chưa biết phân biệt về 4 loại vườn truyền thống Nhật BảnCảnh quan vườn Trung Quốc tuyệt đẹp Taoyuan Wonderland Map

Greenmore[G+] – Mang lại cuộc sống an nhiên !

Nguồn: Tạp chí Greenmore